Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Điều chỉnh giá điện, dịch vụ khám chữa bệnh ở thời điểm phù hợp

Theo đó, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã quyết liệt, kịp thời chỉ đạo và kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, thời gian tới, áp lực từ việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua; chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, chi phí vận tải đường biển có xu hướng tăng; việc thực hiện cải cách chế độ tiền lương... đòi hỏi các cấp, các ngành cần chủ động đánh giá, nắm bắt tình hình để kịp thời có kế hoạch ứng phó, giải pháp phù hợp, hiệu quả, sát thực tiễn.

Thủ tướng có chỉ đạo quan trọng liên quan đến thời điểm điều chỉnh tăng, giảm giá điện, giá dịch vụ khám chữa bệnh (Ảnh: EVN).

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kịp thời các ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá.

Quan điểm điều hành giá của Chính phủ là "không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý".

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột, căng thẳng địa chính trị.

Thủ tướng yêu cầu triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, tham mưu cho Chính phủ các biện pháp phù hợp, kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống, phấn đấu khoảng 4%.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

"Trong mọi tình huống không để thiếu xăng dầu và điều hành giá xăng dầu theo quy định", Thủ tướng lưu ý.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu; kiểm tra chuyên đề về việc thực hiện hóa đơn điện tử.

Đối với điện, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các mặt hàng đang được xem xét điều chỉnh giá, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao rà soát kỹ các yếu tố hình thành giá, phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá.

Thủ tướng cho rằng, việc đánh giá kỹ tác động này để chủ động có phương án điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án điều chỉnh giá phù hợp theo đúng quy định.

Thủ tướng yêu cầu việc điều chỉnh giá cần thực hiện tại thời điểm phù hợp, "tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế", Thủ tướng chỉ đạo.

Đối với các dịch vụ vận tải hàng không, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm, ổn định năng lực vận tải hàng không.

"Ngành GTVT thực hiện mọi giải pháp để cân đối tải trên các đường bay và thị trường nội địa/quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm hè 2024", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường để ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.